Khi chiến dịch “Trần Đình” (bí danh của chiến dịch Điện Biên) khai cuộc, thì cậu bé Lê Khánh Hoài (tên khai sinh của nhà văn Châu La Việt) mới chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Nhưng khi bắt tay khởi thảo cuốn tiểu thuyết này tại Trại Sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng” (tháng 8/2023) thì anh lại có thuận lợi hơn nhiều cây bút khác. Là một nhà văn trưởng thành từ người lính, đã có kinh nghiệm sáng tác qua cả chục tác phẩm, chủ yếu về đề tài chiến tranh cách mạng, Châu La Việt còn có lợi thế riêng. Thân mẫu của anh là ca sĩ Tân Nhân nổi tiếng, quen biết nhiều nhạc sĩ, diễn viên, nên khi miêu tả cuộc đời cũng như hoạt động nghệ thuật của họ, cây bút của anh thoải mái tung hoành như “cá về với nước”…
Tôi hình dung Châu La Việt đã viết “Vầng trăng Him Lam” trong tâm thế đó vì nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là nhạc sĩ Đỗ Nhuận và đồng hành cùng với tác giả ca khúc “Giải phóng Điện Biên” bất tử là cả một đội hình văn nghệ sĩ, sát cánh với các binh đoàn góp sức làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”. Bạn đọc được sống trong bầu khí quyển ấy ngay từ Chương I với khung cảnh những địa danh ở Điện Biên Phủ: Sông Nậm Rốm, suối Mường Phăng – nơi đặt sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cánh đồng Mường Thanh. Đó là những ngày tháng 3/1954, khi mở màn chiến dịch Điện Biên.
Tuy vậy, có thể nói tác giả đã “khôn khéo” không bám theo diễn biến chiến dịch từng được nhiều cây bút lão luyện cả trong và ngoài nước khai thác, mà biết sử dụng “sở trường” của mình, tập trung miêu tả đội quân văn nghệ ra mặt trận. Ngay từ Chương I, tác giả đã “bố trí” cuộc gặp gỡ giữa Đỗ Nhuận và Hoàng Vân – cũng là một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam - khi đó chàng nhạc sĩ 23 tuổi vừa sáng tác ca khúc “Hò kéo pháo” ngay khi mới nhập cuộc, với cương vị Đội trưởng Văn công Đại đoàn 312 được lệnh đến mặt trận quan sát để đưa tốp văn nghệ xung kích tới phục vụ tận chiến hào…
Trong đội ngũ đông đảo ấy, chỉ với mấy dòng đầu tiểu thuyết trích dẫn ở trên, tác giả đã cho xuất hiện nhân vật chính Đỗ Nhuận với tính cách riêng và vai trò đầu tàu. Cũng trong Chương I, qua dòng hồi ức của Đỗ Nhuận, chúng ta biết ngay sau Cách mạng Tháng 8, anh đã đề xướng lập một đội tuyên truyền “tay súng tay đàn” mang tên “Sao Vàng”, “Có thể nói đó là đoàn nghệ thuật đầu tiên của quân đội ta”… Dòng hồi ức của Đỗ Nhuận còn đi xa hơn trong Chương 2, với sự kiện anh bị kết án 3 năm tù, vì năm 1943, anh treo cờ ủng hộ Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản. Sau một thời gian nằm tại nhà tù Hỏa Lò, một ngày xuân năm 1944, anh và đoàn tù nhân bị xích tay, giải lên Sơn La… Đến chợ Hòa Bình, đêm không điện, tù nhân xích tay với nhau, quanh bếp lửa, Đỗ Nhuận “đơn ca” rồi tập cho anh em hát: “Tiến lên vì nước/ Quốc dân Việt Nam…”. Có bạn tù ngâm thơ Tố Hữu – bài nhà thơ viết trong tù Lao Bảo: “…Tôi chưa chết nghĩa là chưa hết hận/ Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi!”...
Mặc dù không nhằm miêu tả diễn biến chiến dịch, nhưng tác giả đã dành ba chương 10, 11 và 12 thể hiện trận đánh quan trọng mở đầu chiến dịch ngày 13/3/1954: tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam. Xúc động trước những hy sinh không nhỏ của bộ đội, tiểu biểu là tấm gương lấy thân mình lấp lỗ châu mai của anh Phan Đình Giót, Đỗ Nhuận đã viết bài hát “Trên đồi Him Lam” – một ca khúc có sức sống lâu bền như “Hành quân xa”. “Hôm qua đánh trận Điện Biên/ Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào […]. Ở đây chúng ta không quên/ Bao anh em đồng chí hy sinh trong trận này…”.
Ca khúc bất tử “Giải phóng Điện Biên” ra đời khi “Đỗ Nhuận cùng các diễn viên đang hăng say cuốc, rải đá”, góp sức làm đường kéo pháo; chiều 7/5/1954, nghe liên lạc báo tin “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!…”, các diễn viên “đều ngừng tay cuốc, lao vào ôm nhau nhảy múa, không cần nhạc đệm...”. Và đêm hôm đó, trên một ngôi nhà sàn, trong khi mọi người vẫn vui vẻ múa xòe, múa sạp mừng chiến thắng, nhạc sĩ ngồi bên bếp lửa, cảm xúc dâng tràn… Cho đến lúc đàn gà gáy vang thì những lời ca đầu tiên của ca khúc bất tử hòa cùng tiếng đàn ghi ta xuất hiện: “Giải phóng Điện Biên/ Bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở/ Miền Tây Bắc tưng bùng vui…”
Như thế, ca khúc “Giải phóng Điện Biên” sống mãi với thời gian được hoàn thành chỉ trong một đêm, nhưng đó là kết quả tích tụ khí chất, tài năng không chỉ trong thời gian tham gia chiến dịch mà suốt cả cuộc đời nhạc sĩ, kể từ ngày đầu cách mạng. Cũng như chiến thắng “chấn động địa cầu”, để có phút quan lính Pháp giương cờ trắng ra hàng đội quân của tướng Võ Nguyên Giáp sáng ngày 7/5, cả dân tộc đã phải đổ không biết bao nhiêu là xương máu trong cuộc kháng chiến trường kỳ. “Chín năm làm một Điện Biên…” Nhà thơ Tố Hữu đã viết như thế.
Theo baothuathienhue.vn