Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.151.626
Truy cập hiện tại 1.287 khách
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Ngày cập nhật 24/03/2024

TTH - Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

Ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã chia sẻ như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần sau một năm đề án này được thông qua và triển khai với rất nhiều sự kiện, hoạt động để lan tỏa áo dài vào đời sống cộng đồng.

Thưa ông, sau nhiều năm triển khai Tuần lễ áo dài cộng đồng, sự lan tỏa cũng như đón nhận của các tầng lớp nhân dân đã như kỳ vọng của đơn vị tổ chức?

Tuần lễ áo dài cộng đồng được tổ chức thành công trong nhiều năm qua là một hoạt động có ý nghĩa mang tính truyền thông, tạo hiệu ứng tuyên truyền, định hướng trong chuỗi các hoạt động thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Thông qua việc tổ chức Tuần lễ áo dài cộng đồng những năm qua, không chỉ giúp người dân tiếp cận, hiểu rõ hơn, từ đó trân quý, nâng niu chiếc áo dài truyền thống - “Quốc phục” nói riêng, mà còn góp phần giáo dục tình yêu đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các hoạt động phong phú, sôi nổi diễn ra trong Tuần lễ áo dài cộng đồng đã huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, lan tỏa tình yêu đối với trang phục áo dài. Tà áo dài truyền thống đã dần trở thành trang phục phổ biến trong mọi không gian, sinh hoạt văn hóa lễ hội, hoạt động du lịch, môi trường giáo dục...

Những kết quả ban đầu mang tính chiều sâu đó đã tạo động lực để một số cơ quan, ban ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương, tổ chức, cá nhân tích cực tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp gắn với áo dài, góp phần quảng bá văn hóa, thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Không chỉ dừng lại ở tuần lễ, mà xa hơn áo dài đã dần đi vào đời sống một cách tự thân. Việc đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” chính thức được phê duyệt và triển khai trong một năm có ý nghĩa như thế nào?

Ngày 29/3/2023, Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” chính thức được UBND tỉnh phê duyệt, điều này đã khẳng định tính đúng đắn trong công cuộc phục hưng áo dài truyền thống - “Quốc phục” Việt Nam. Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.

Đề án góp phần rất lớn trong việc định hướng tư tưởng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người dân - chủ thể của áo dài, chủ thể hạt nhân, mang tính nòng cốt, đồng hành, xã hội hóa nguồn lực cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện thành công đề án.

Điều trăn trở nhất trong hành trình lan tỏa áo dài vào đời sống hiện nay ngay tại Huế cũng như cả nước, theo ông là gì?

 

Áo dài không có gì lạ đối với tất cả chúng ta. Lâu nay đã có nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm; nhiều hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ăn vận, trình diễn, giới thiệu áo dài truyền thống không chỉ trong nước mà cả thế giới với nhiều ngôn ngữ, màu sắc, phong cách, chất liệu biểu hiện khác nhau, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Từ đó, áo dài được biết đến nhiều trên thế giới và gần như, nghiễm nhiên được quốc tế thừa nhận là “Quốc phục” của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay di sản liên quan đến áo dài vẫn chưa được chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia nên chưa có những quy định cụ thể mang tính ràng buộc, vô hình trung là một trong những trở ngại lớn trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống của dân tộc.

Gần đây, nhiều nhà thiết kế có tên tuổi đã chú ý, quan tâm sáng tạo đối với áo dài ngũ thân, nhiều áo dài được sáng tạo với ngôn ngữ, chất liệu mới lạ nhưng vẫn đảm bảo gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tạo dựng được tiếng vang. Rất tiếc khi vẫn còn một số nhà thiết kế đã sáng tạo “quá bay bổng” đến mức hình thành một số sản phẩm bị lai căng, không giữ được giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc của áo dài truyền thống Việt Nam.

Bản thân tôi cũng như anh em rất trăn trở, cố gắng làm tất cả những gì có thể để lan tỏa áo dài truyền thống Việt Nam - áo dài Huế vào đời sống đương đại, đồng thời nỗ lực thực hiện mục tiêu ghi danh áo dài truyền thống trở Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia.

Được biết, đề án cũng hướng đến mục tiêu hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc này được tiến hành đến đâu, thưa ông?

Như đã nói ở trên, ngành văn hóa cùng các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nghệ nhân… có liên quan đã rất trăn trở, tập trung trí tuệ, tâm huyết và nguồn lực để hoàn thiện hồ sơ “Nghề may đo áo dài và Tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” một cách bài bản, khoa học, đúng quy định theo sự hướng dẫn đầy trách nhiệm của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, hồ sơ này đã chính thức trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, vinh danh là văn hóa phi vật thể quốc gia theo quy định.

Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa vào danh mục di sản quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét tiến hành các thủ tục hồ sơ, đăng ký, đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong thời gian sớm nhất.

Và, việc thành lập một bảo tàng áo dài cho Huế cũng từng nằm trong ý nghĩa, định hình và việc triển khai sẽ ra sao?

Vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Viettravel triển khai lập Đề án thành lập Không gian sáng tạo văn hóa, Bảo tàng Áo dài tại Cung An Định để từng bước triển khai các nội dung của Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Hiện nay, đề án vẫn đang được nghiên cứu, đề xuất các không gian phù hợp: Sau khi Đề án Không gian sáng tạo văn hóa được chính thức thông qua, hứa hẹn Bảo tàng Áo dài sẽ là điểm đến thú vị của người dân, du khách để khám phá, trải nghiệm giá trị văn hóa Huế, trong đó có áo dài truyền thống, áo ngũ thân “Quốc phục” của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày