Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.152.083
Truy cập hiện tại 1.405 khách
Di chúc và nỗi trăn trở của Bác về Đảng cầm quyền
Ngày cập nhật 15/09/2023

(HCM.VN) - Tư tưởng xuyên suốt trong di sản Hồ Chí Minh là cách mạng trước hết phải có Đảng lãnh đạo. Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Người đặc biệt quan tâm tới Đảng khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền.

 

(HCM.VN) - Tư tưởng xuyên suốt trong di sản Hồ Chí Minh là cách mạng trước hết phải có Đảng lãnh đạo. Đảng có vững cách mạng mới thành công cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Người đặc biệt quan tâm tới Đảng khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền.

Di chúc - chỉ có mấy lời, như một lá thư - mà Bác dành nhiều dòng để viết về Đảng cầm quyền. Di chúc là “Quốc bảo” xây dựng đất nước sau chiến tranh “hơn mười ngày nay”, xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Di chúc chứa đựng nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quốc phòng, quốc tế, vệ sinh, môi trường, chuẩn bị mọi mặt để thống nhất Tổ quốc, nhưng lại TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG. Và “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giáo phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.616). Chỉ riêng cách đặt vấn đề của Bác như vậy đã thấy tầm vóc, giá trị, ý nghĩa vô cùng to lớn, quan trọng của Đảng cầm quyền trong sự nghiệp cách mạng nói chung, phát triển đất nước đàng hoàng, to đẹp nói riêng.

Thứ nhất, Bác đặt lên hàng đầu bản chất của một Đảng chân chính cách mạng là một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Điều cốt lõi đó của Đảng ta đã được Hồ Chí Minh nêu lên sau khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, khi bàn về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Người nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289).

Thứ hai, Bác nhấn mạnh đoàn kết trong Đảng là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Khi Đảng ta chưa ra đời, dân ta đã đoàn kết muôn người như một theo tinh thần “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”; “Tụ họp bốn phương manh lệ”; “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đảng ra đời kế thừa, nâng cao truyền thống đoàn kết của dân tộc, đưa vào đó nội dung mới, chất lượng mới dưới ánh sang khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, không chỉ đoàn kết dân tộc mà còn đoàn kết quốc tế. Đoàn kết trong Đảng từ truyền thống biến thành sức mạnh, và nhờ sức mạnh đó mà Đảng ta đã đoàn kết và lãnh đạo Nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Vì truyền thống đoàn kết của Đảng và dân tộc là một giá trị văn hóa quý báu, nên Bác yêu cầu các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nói đến con ngươi của mắt thì tất cả chúng ta đều hiểu sự quý giá, cần thiết và quan trọng đến mức nào.

Thứ ba, Di chúc viết về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Tập trung dân chủ là nguyên tắc quan trọng nhất của Đảng chân chính cách mạng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Tập trung phải trên nền tảng dân chủ và dân chủ phải dưới sự chỉ đạo của tập trung. Sự gắn bó chặt chẽ giữa dân chủ và tập trung tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, sức mạnh về tổ chức, kỷ luật của Đảng. Dân chủ tạo ra sáng kiến và hăng hái. Một trong những cách thể hiện và biểu hiện của dân chủ trong Đảng là tự phê bình và phê bình. Tự phê và phê bình là một thước đo trình độ, năng lực dân chủ của Đảng. Bởi vì dân chủ là làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân dám nói, dám làm. Bác nhiều lần chỉ rõ: “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên và cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng và Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói vì không phải họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.283).

Điểm nhấn trong lời dặn của Bác về tự phê bình và phê bình là phải thường xuyên và nghiêm chỉnh. Không làm thường xuyên theo định kỳ, theo kế hoạch thì không có tác dụng, ý nghĩa gì. Đặc biệt tự phê bình và phê bình làm qua loa, đại khái, hời hợt, không loại trừ dìm nhau, tâng bốc, nịnh hót, mà hiện nay Đảng ta nói mang tính hình thức, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thì không những không đem lại kết quả mà càn có hại, làm mất sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, mất sức chiến đấu của Đảng.

Thứ tư, Di chúc viết trong Đảng “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây là khía thuộc về văn hóa, đạo đức, nhân văn, tính chân chính của Đảng, của những người tự nguyện đứng trong đội ngũ của Đảng, cùng một hướng, một mục tiêu, lý tưởng là giải phóng dân tộc và đem lại hạnh phúc cho đồng bào. Một Đảng chân chính cách mạng vì nước, vì dân mà những đảng viên không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì không có sức mạnh.

Thứ năm, thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng của Đảng cầm quyền. Không phải ngẫu nhiên mà ba từ “Đảng cầm quyền” được Bác đặt trước đoạn viết về đạo đức cách mạng. Đây là bàn về mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có ít nhiều quyền hành. Nội dung này được Bác đề cập ngay sau khi Đảng ta nắm chính quyền. Người chỉ rõ: “Khi nắm được chút quyền hành trong tay vẫn hay lạm dụng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.51). “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.122). Khi viết về chữ “Liêm” trong tác phẩm Cần Kiệm Liêm Chính, Bác chỉ rõ: “Trước nhất, cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127). Tổng Bí thư Đảng ta nói tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực là tiếp cận theo hướng này, tức là muốn nói khi cán bộ, đảng viên có quyền lực mà không giữ được đạo đức cách mạng là dễ tiêu cực, tham nhũng.

Nhận thức rõ không trui rèn đạo đức thì quyền lực dễ bị tha hóa, Bác dùng bốn lần những từ “thật”, “thật sự” để nhắc nhở cán bộ, đảng viên về việc thấm nhuần đạo đức cách mạng; thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đáng chú ý là về Đảng thì “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nói đến Đảng thì trước hết và xuyên suốt là nói tới vai trò lãnh đạo của Đảng. Mà Đảng muốn xứng đáng là người lãnh đạo thì phải thật trong sạch, thật vững mạnh. Mà lãnh đạo - như Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: “Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.287). Lãnh đạo “cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.327).

Xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh để làm gì? Đương nhiên là để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Tất cả những điều đó đều nhằm mục đích cao cả nhất là toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân như Di chúc đề cập.

Nỗi trăn trở của Bác về Đảng cầm quyền được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta nêu trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao dộng Việt Nam, đọc sáng ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình. Nhắc lại lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, đồng chí Lê Duẩn nói: “Vĩnh biệt Người, chúng thề: Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch…” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.629).

54 năm qua, đặc biệt qua hơn 36 năm đổi mới, Đảng ta rèn luyện, phấn đấu không ngừng, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay là nhờ nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân. Đảng ta đã thấm nhuần và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhưng “tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.1, tr.93). “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.1, tr.95).

Nhận thức rõ ưu điểm và hạn chế của Đảng trong việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những bài học kinh nghiệm, Đảng ta nhấn mạnh: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Chúng ta tin tưởng với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì nhiệm vụ xây dựng Đảng cầm quyền, Đảng ta sẽ có những bước tiến mới trong sự nghiệp lãnh đạo đất nước đi tới phồn vinh hạnh phúc, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. 

PGS. TS Bùi Đình Phong

Theo hochiminh.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày