Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.157.367
Truy cập hiện tại 2.772 khách
Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng – Khởi sắc từ nội lực
Ngày cập nhật 12/07/2023

Bài 1: Kinh tế tri thức đã vươn mình thành kinh tế số

 

Đánh giá những thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong các báo cáo, phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều khẳng định chính từ nguồn nội lực, sự nỗ lực vươn lên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở trong từng lĩnh vực, công việc cụ thể, đồng lòng phấn đấu tạo nên sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa cho tới công nghiệp quốc phòng, ngoại giao…. tạo thành sức mạnh to lớn hoàn thành hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thương mại điện tử đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam

 

Các văn kiện mà Đảng xem xét, quyết định tại Đại hội XIII không còn nhắc tới kinh tế tri thức. Thay vào đó là những chủ trương rất mạnh mẽ về việc phát triển kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế số hoàn toàn không phải là sự phủ nhận kinh tế tri thức, mà kinh tế số chính là kinh tế tri thức được thực tế hóa trên nền tảng khoa học công nghệ phát triển ở tầm mức rất cao – tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hay nói tổng quan như nghị quyết là “chuyển đổi số”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân (Trưởng bộ môn Thương mại điện tử, Trường đại học Ngoại thương) cho rằng, để xây dựng, vận hành và phát triển kinh tế tri thức, nước ta cần bổ sung các chỉ tiêu về kinh tế tri thức trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội cơ bản hằng năm theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế tri thức…

PV: Ngay từ Đại hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ XI của Đảng, “kinh tế tri thức” đã được nhắc tới và phát triển kinh tế tri thức đã được Đảng ta đặt mục tiêu chính thức từ thời điểm đó. Thưa Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tri thức ở nước ta, sau hơn 12 năm kể từ Đại hội XI của Đảng?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân: Trước hết, tôi muốn nêu quan điểm rằng, nếu chúng ta thực sự coi trọng phát triển kinh tế tri thức thì chúng ta phải thực hiện một cách rất bài bản, có mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn kế hoạch hằng năm, kế hoạch 5 năm, kế hoạch trung hạn, kế hoạch dài hạn.

Rất tiếc là tôi chưa thấy Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế tri thức của Đảng thành những chiến lược, kế hoạch và mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

15 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội cơ bản mà Quốc hội thông qua hằng năm chỉ có duy nhất chỉ tiêu về lao động đã qua đào tạo là có “dính dáng” một chút tới kinh tế tri thức, trong khi đòi hỏi của kinh tế tri thức với người lao động ở mức rất cao, đó là công nhân tri thức.

Đã qua đào tạo chỉ là một khía cạnh của tri thức. Rồi các chỉ tiêu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội do Tổng cục Thống kê tiến hành thường xuyên cũng chưa thấy có công cụ cụ thể đo lường sự phát triển của kinh tế tri thức ở nước ta.

Rõ ràng, khi không có chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, cũng không có những con số thống kê thường kỳ, thì phát triển kinh tế tri thức vẫn chỉ là cái gì đó rất trừu tượng, nằm ngoài sự quan tâm thường xuyên của từng người dân, người lao động cho tới doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước hữu quan.

          PV: Vậy, theo ông, chúng ta cần bổ sung những chỉ tiêu nào về phát triển kinh tế tri thức trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của Quốc hội, Chính phủ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân: Để nói nên bổ sung chỉ tiêu nào thì cần phải có những nghiên cứu rất cụ thể. Tuy nhiên, theo tôi, cốt lõi nhất là dựa vào các thành phần cấu tạo nên một nền kinh tế tri thức.

Kinh tế tri thức có tỷ lệ đóng góp của tri thức từ đầu vào, trong quá trình sản xuất sản phẩm cho đến đầu ra của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đóng góp của tri thức trong đầu vào chính là việc chuyển hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

Đóng góp của tri thức trong quá trình sản xuất chính là sự ứng dụng khoa học, công nghệ vào dây chuyền sản xuất, vào máy móc, trang thiết bị, là sự ứng dụng của tự động hóa, của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất.

Đóng góp của tri thức cho đầu ra của sản phẩm là sự vận hành của một thị trường trên cơ sở của công nghệ thông tin, trong đó có thương mại điện tử, kinh tế số…

Trong nền kinh tế tri thức thì người lao động phải là người lao động tri thức. Lao động qua đào tạo chỉ là biểu hiện sơ khai của lao động tri thức. Một lao động tri thức đúng nghĩa phải là lao động đã qua đào tạo nghề bài bản, trong quá trình lao động thường xuyên có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế làm tăng năng suất lao động của bản thân và những người đứng cùng dây chuyền; hoặc nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; hoặc cải thiện mẫu mã hàng hóa, nâng cao tính tiện dụng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…

Một doanh nghiệp có đội ngũ nhà quản lý tri thức, người lao động tri thức, có sự ứng dụng khoa học công nghệ ở mức độ cao trong cả quản lý doanh nghiệp, vận hành dây chuyền sản xuất; có hàm lượng tri thức cao cả trong đầu vào, đầu ra của sản phẩm, có văn hóa coi trọng khoa học công nghệ, sáng tạo, sáng kiến… mới trở thành doanh nghiệp tri thức.

Một nền kinh tế tri thức cũng không thể thiếu thị trường khoa học, công nghệ. Thị trường khoa học, công nghệ chính là nơi diễn ra các giao dịch mua, bán, cho thuê, cho mượn và cả cho, tặng các kết quả, công trình là sản phẩm của hoạt động nghiên cứu khoa học để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Một nền kinh tế tri thức cũng phải đo lường được mức độ, tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ trong GDP nói chung và trong từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói riêng, thậm chí là trong từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng, vận hành và phát triển kinh tế tri thức thì trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội chủ yếu phải bổ sung tỷ lệ lao động có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao năng suất lao động trong chỉ tiêu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo.

Nếu cứ nhìn vào những thành phần này và nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng, vận hành và phát triển kinh tế tri thức thì trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội chủ yếu phải bổ sung tỷ lệ lao động có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao năng suất lao động trong chỉ tiêu tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; tỷ lệ đầu tư từ GDP cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; số lượng công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ (trong đó có tỷ lệ công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ được giao dịch trên thị trường khoa học, công nghệ và được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh); tỷ lệ đóng góp của khoa học, công nghệ vào GDP.

Chỉ tiêu này nếu được nêu trong nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ thì trở thành căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện.

Cùng với đó, tôi cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế tri thức để cụ thể hóa chủ trương của Đảng; không cần xây dựng một đạo luật riêng về kinh tế tri thức nhưng các nội hàm về kinh tế tri thức phải được thể hiện trong hệ thống luật pháp về sản xuất, kinh doanh, khoa học, công nghệ.

Đó là Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã, Luật Thương mại điện tử, Luật Giao dịch điện tử, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cạnh tranh… Như vậy sẽ tạo ra một môi trường pháp lý đủ tường minh, đủ mạnh để thúc đẩy xây dựng, vận hành và phát triển nền kinh tế tri thức.

Tổng cục Thống kê cũng cần triển khai và thống kê đầy đủ về kinh tế tri thức làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá cũng như xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật.

 

PV: Vậy, bằng quan sát trực quan, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của kinh tế tri thức ở nước ta?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân: Tôi cho rằng, trong hơn 12 năm triển khai thi hành Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nền kinh tế tri thức của nước ta đang dần được định hình và đã có những kết quả rất cụ thể.

Đó là sự quan tâm phát triển đội ngũ nhà khoa học, trí thức; sự trân trọng ý kiến phản biện, xây dựng của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức; đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước ngày một được bảo đảm hơn; xã hội và cộng đồng doanh nghiệp cũng thể hiện rất rõ sự quan tâm và có những tôn vinh với các nhà khoa học, công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, đóng góp lớn cho xã hội.

Điển hình như Tập đoàn VinGroup có Giải thưởng Khoa học và Công nghệ toàn cầu VinFuture nổi tiếng toàn thế giới. Ứng dụng của khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh ngày càng lớn. Cả đầu vào, đầu ra và quá trình vận hành dây chuyền sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều có sự đóng góp không nhỏ của khoa học, công nghệ nói riêng và của tri thức nói chung.

 

PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong đầu ra của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của thương mại điện tử trong nền kinh tế tri thức Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân: Lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sức phát triển Phù Đổng. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng đang phát triển Bộ Chỉ số thương mại điện tử, trong đó có những thống kê, đo lường rất cụ thể về tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, tỷ trọng đóng góp của thương mại điện tử trong GDP.

Bằng những công cụ phân tích, thống kê và dự báo khoa học, người ta đã tính toán được mức độ đóng góp trong GDP của thương mại điện tử B2C ở nước ta năm 2022 là khoảng 5%, với tốc độ phát triển hằng năm khoảng 25% và dự đoán đến năm 2035 sẽ đóng góp khoảng 10% GDP của cả nước.

Về đóng góp của thương mại điện tử với kinh tế tri thức thì có rất nhiều khía cạnh. Ngoài đóng góp vào GDP, hỗ trợ tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội nói chung, thương mại điện tử còn trực tiếp tham gia vào thị trường khoa học, công nghệ khi trở thành nơi giao dịch của rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, trong đó có các dây chuyền, máy móc sản xuất, thậm chí là các giao dịch xuyên biên giới cũng được tiến hành ngày càng thuận tiện hơn dựa trên sự phát triển, ứng dụng của khoa học, công nghệ.

Tôi nghĩ mô hình phát triển hoàn mỹ nhất với chúng ta là mô hình kim tự tháp.

Nền tảng kinh tế tri thức vẫn là rộng lớn, bao trùm, căn cốt nhất và nằm ở phần đáy kim tự tháp. Trên cơ sở nền tảng kinh tế tri thức, các khu vực kinh tế, lĩnh vực kinh tế có khả năng chuyển đổi số, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 nhanh nhất sẽ nằm ở phần chóp kim tự tháp.

 

PV: Các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng thay vì nhắc tới kinh tế tri thức đã nhấn mạnh rất nhiều tới phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Ông đánh giá như thế nào về sự kế thừa phát triển kinh tế tri thức trong kinh tế số?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân: Đúng là tất cả các văn kiện mà Đảng xem xét, quyết định tại Đại hội XIII không còn nhắc tới kinh tế tri thức. Thay vào đó là những chủ trương rất mạnh mẽ về việc phát triển kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kinh tế số hoàn toàn không phải là sự phủ nhận kinh tế tri thức, mà kinh tế số chính là kinh tế tri thức được thực tế hóa trên nền tảng khoa học công nghệ phát triển ở tầm mức rất cao – tự động hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hay nói tổng quan như nghị quyết là “chuyển đổi số”.

Chúng ta đã đặt ra những mục tiêu rất quyết liệt, táo bạo là đi tắt, đón đầu trong Cuộc cách mạng 4.0, quyết tâm không để nhỡ “chuyến tàu cao tốc 4.0”. Tôi cho rằng đó là chủ trương cực kỳ đúng đắn, là sự kế thừa và phát triển làm thay đổi hoàn toàn về chất.

Tuy nhiên, để chúng ta không bị lâm vào cảnh chủ quan duy ý chí, nóng vội dẫn tới thất bại, tôi nghĩ mô hình phát triển hoàn mỹ nhất với chúng ta là mô hình kim tự tháp. Nền tảng kinh tế tri thức vẫn là rộng lớn, bao trùm, căn cốt nhất và nằm ở phần đáy kim tự tháp.

Trên cơ sở nền tảng kinh tế tri thức, các khu vực kinh tế, lĩnh vực kinh tế có khả năng chuyển đổi số, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 nhanh nhất sẽ nằm ở phần chóp kim tự tháp. Ngay ở tầm mức kinh tế tri thức, chúng ta còn chưa xây dựng xong nền tảng cơ bản, thì việc đòi hỏi cả nền kinh tế nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số có vẻ như hơi quá sức so với chúng ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

QĐND online
Các tin khác
Xem tin theo ngày