Lớp học của sự yêu thương
Cô Đào Thị Nhung đã từng là một giáo viên dạy Ngữ Văn tại trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nay đã về hưu.
Chừng ấy năm theo đuổi con đường dạy học, cô Đào Thị Nhung không thể nhớ rõ mình đã dạy bao nhiêu thế hệ học trò, chỉ nhớ rằng có những lần cô dạy cả hai anh em của một gia đình, hết anh tới em đều được cô Đào Thị Nhung dạy dỗ suốt chặng đường học tập của mình.
Lớp học của cô Đào Thị Nhung không chỉ bắt đầu từ 4 năm gần đây mà ngay khi còn đang công tác tại các trường THCS, thì lớp học tình thương của cô Đào Thị Nhung đã được tổ chức và dành riêng cho các bạn học sinh khó khăn trong lớp.
Năm 2019, do bận nhiều công việc nên lớp học được tổ chức tại nhà riêng của cô Nhung. Cũng từ đó cô Đào Thị Nhung lại “phát hiện” rất nhiều các bạn nhỏ ngay gần nhà mình cũng rất khó khăn, dang dở việc học vì bố mẹ thiếu trước hụt sau.
Lớp học dù không lớn nhưng lúc nào cũng đầy đủ các thành viên, lúc nào cũng vang vọng tiếng đánh vần, tiếng cộng, trừ, nhân, chia của các em nhỏ.
Lớp học nhỏ luôn vang lên tiếng đánh vần, tiếng giảng bài của cô Nhung. Ảnh: Nguyễn Linh
Hiện có tổng cộng 12 bạn nhỏ từ lớp 1 đến lớp 9 đang theo học tại lớp học này, hầu hết đều là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại phường Bình Hiên (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
“Dù là ở trung tâm thành phố nhưng chủ yếu người dân ở đây vẫn phải lao động bằng chân tay, suốt một ngày làm việc mệt mỏi, họ trở về nhà và cũng không đủ sức để lo cho con nữa. Các em nhỏ chính vì vậy cũng không được quan tâm chăm sóc chu đáo.
Thấy vậy mình mới trăn trở, ủ ấp một nguyện vọng được giúp đỡ, lo lắng, muốn dang tay ra để giúp các em được học tập, được đến lớp theo kịp các bạn bè đồng trang lứa”, cô Đào Thị Nhung bộc bạch.
Không chỉ là lớp học miễn phí
Không chỉ là con chữ, mỗi đầu năm học mới, cô Đào Thị Nhung đều tặng cho mỗi bạn học sinh một bộ sách mới theo chương trình dạy của sở GDDT TP Đà Nẵng, 20 cuốn vở và hai bộ đồng phục của trường mà các em đang theo học. Đặc biệt, những bộ quần áo này được đo may đúng kích cỡ của các em, không phải là loại đo may sẵn ngoài tiệm.
Toàn bộ kinh phí để mua sắm dụng cụ, trang thiết bị cho các em đều trích từ số tiền phụ cấp của các công việc mà cô Đào Thị Nhung đang làm. Thương và quý các em như con trong gia đình, cô Đào Thị Nhung đã dang tay ôm trọn các em vào lòng.
Em Đức Mỹ (học sinh lớp 4) đã theo lớp học của cô Đào Thị Nhung được 3 năm và bây giờ em Hoàng Phúc (em trai của Đức Mỹ chuẩn bị vào lớp 1) cũng theo chân của anh trai đến lớp học của cô Đào Thị Nhung.
Hai em học trò Đức Mỹ và Hoàng Phúc đã nhận được sự giúp đỡ của cô Đào Thị Nhung suốt 3 năm liền. Ảnh: Nguyễn Linh
“Mình không chỉ dạy cho các em con chữ mà còn dạy cho các em điều thiện, ngoan ngoãn. Như Đức Mỹ và Hoàng Phúc dù còn nhỏ nhưng khi bà em bị ốm các em đều có thể chăm bà được. Đặc biệt là Đức Mỹ, em ngoan, biết quan sát và cảm nhận tình yêu thương không chỉ là trong gia đình mà còn là tình yêu thương giữa con người với con người”, cô Đào Thị Nhung chia sẻ.
Dù còn nhỏ tuổi nhưng hai em Đức Mỹ, Hoàng Phúc lại rất ngoan ngoãn, ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế nhỏ để luyện viết chữ. Hai em ở cùng với bà ngoại bị đau nặng, không thể làm việc, cuộc sống của ba bà cháu chỉ dựa vào số tiền hỗ trợ người cao tuổi của bà.
Ông Lê Văn Thương, phụ huynh của hai em nhỏ tại lớp học của cô Đào Thị Nhung cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn của phường, nhờ sự giúp đỡ của cô Nhung mà các cháu tôi được học tập đàng hoàng, tiến bộ rõ rệt trong suốt nhiều năm qua.”
Để tạo không gian thoải mái, gần gũi khi đến lớp cô Đào Thị Nhung thường tổ chức liên hoan nhỏ vào các dịp lễ, tết tại lớp học. Với học sinh đạt được điểm số cao tại các kì thi giữa kì, cuối kì thì cô Nhung sẽ thưởng những phần quà nho nhỏ để các em có thêm động lực hơn trong học tập. Tiếng nói cười, tiếng ê a đọc bài vang vọng khắp căn nhà nhỏ của cô giáo về hưu.
laodong.vn