Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.149.281
Truy cập hiện tại 581 khách
Dân ca Tà Ôi - gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
Ngày cập nhật 04/01/2021

Đã có lúc tưởng chừng như mai một nhưng vượt lên mọi biến thiên, dân ca Tà Ôi vẫn còn vang vọng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Thứ thanh âm quyện hòa vào cây rừng ấy, mắt thường không thể nhìn thấy nhưng là di sản từ bao đời của những người con của núi.

 

Khôn lớn từ điệu dân ca

Dân ca, dân nhạc của người Tà Ôi khó có thể mô tả bằng lời nhưng kể từ những cuộc thiên di hàng trăm năm trước, đến lúc quần cư tại vùng đất phía Tây Thừa Thiên Huế, những âm thanh này là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân. Già làng Lê Văn Tring (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) bảo, khi văn hóa hiện đại xâm nhập vào từng bản làng, âm nhạc truyền thống của người Tà Ôi bị khuất lấp, song nó không mất hẳn mà vẫn còn hiện diện trong đời sống người dân. Ngoài mỗi mùa lễ hội, già Tring hướng mắt về phía lưng chừng đồi, nơi các mẹ, các chị đang địu con lên rẫy như để minh chứng. “Trong mỗi chiếc gùi của người dân khi lên rẫy hầu hết đều có một thứ nhạc cụ. Đàn bà có thể hát; đàn ông có thể thổi sáo, thổi khèn”, già Tring nói.

Ngang đây tôi chợt nhớ đến Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được tác giả sáng tác khi công tác ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên.

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:

Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,

Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội

Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,

Mai sau con lớn vung chày lún sân...

Những em bé Tà Ôi đã lớn lên như thế, trong lời hát ru của mẹ, ấm áp giữa đại ngàn. Đó là những làn điệu dân ca, dân nhạc luôn thường trực trong đời sống của người Tà Ôi.

Thiên nhiên, núi rừng đã tạo nên dáng dấp của người Tà Ôi và cũng chính vì thế mà điệu dân ca cũng hoang sơ như cây rừng, ngọn cỏ. Họ cất điệu hát, núi rừng dường như lặng im để cảm nhận tình yêu thương của người con của núi. Sẽ không lạ khi vô tình dọc theo những con suối bỗng nghe thứ âm thanh trong trẻo vang lên, sâu thẳm lòng người. “Những lúc đốt mật hay kiếm củi họ vẫn hát. Lời hát là như điểm tựa giữa lúc lao động mệt nhọc. Từ lời hát biết bao đôi lứa đã nên duyên vợ chồng”, già Tring tiết lộ.

Rất nhiều điệu hát của người Tà Ôi đến hôm nay vẫn còn được lưu truyền như, Ba boch, Kar lơi, Cha chấp, Ri roi… Ứng với mỗi câu chuyện, hoàn cảnh họ cất lên những làn điệu khác nhau. Những làn điệu ấy từ xưa đến nay vẫn ngân vang khắp các bản làng. “Dẫu có những bài hát cổ chỉ những già làng, trưởng bản mới tỏ tường nhưng đa số các làn điệu cơ bản của người Tà Ôi hiện vẫn không mất đi, đặc biệt là những làn điệu giao duyên”, già Tring nói.

Mạch nguồn chảy mãi

Xuyên suốt chiều dài văn hóa, trong đời sống tâm linh hay những mùa lễ hội, thậm chí là cuộc sống thường nhật, vắng dân ca, người Tà Ôi như mất đi nguồn cội. Và đâu chỉ có dân ca, dân vũ của người Tà Ôi cũng góp phần tạo nên bản sắc. Bản hòa âm của chiêng, trống, khèn, đàn ta lư, lời ca tiếng hát, điệu múa của con người quyện hòa tạo nên màu sắc của núi. TS.Nguyễn Thị Sửu, TUV, Bí thư Huyện ủy A Lưới bảo rằng, dân ca, dân nhạc, dân vũ sẽ cùng nhau tạo nên sắc thái đặc trưng của người Tà Ôi. Nếu như điệu Cha chấp sẽ thay cho tiếng lòng dân tộc; thanh âm của sáo, đàn da diết, vơi đi nỗi buồn, thì điệu nhảy của người Tà Ôi sẽ biểu thị cho cảm giác, sắc thái của con người. “Trong cùng một lễ hội, qua từng điệu nhảy, điệu hát nếu quan sát tinh tế, sẽ nhận ra cảm giác của người Tà Ôi như thế nào. Cảm giác này không chỉ là sắc thái biểu cảm đơn thuần mà còn là tiếng lòng của họ”, bà Sửu chia sẻ.

Có một thời kỳ, sự chuyển tiếp giữa quá khứ và hiện tại bị đứt quãng. Thanh âm của núi dường như bị lãng quên nhưng thật may bản sắc văn hóa người Tà Ôi vẫn còn đó. Rapat Ngọc Hà, một người trẻ đam mê dân ca dân nhạc Tà Ôi tâm sự: “Thế hệ chúng em học dân ca, dân nhạc bằng 2 cách. Thứ nhất là học theo các già làng, trưởng bản qua các mùa lễ hội, thứ hai là tự mày mò, tìm kiếm, nghĩa là phải có đam mê. Cái khó nhất là cuộc sống khó khăn, người ta chú tâm vào mưu sinh nên vô tình lơ là truyền thống văn hóa của dân tộc”.

Bây giờ, “sân chơi” cho dân ca, dân nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số dần được mở rộng. Huyện A Lưới đã nỗ lực bảo tồn, khai thác và mở rộng giao lưu văn hóa các dân tộc thông qua hình thức hội diễn, tổ chức lễ hội. Nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu được thường xuyên duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như, Ariêu A Da, Ariêu Piing, Ariêu Car, cưới hỏi, mừng nhà mới... A Lưới đã kết hợp giữa giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên nền tảng phát triển du lịch nhằm  tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi tuyên truyền giá trị văn hóa.

“Chúng tôi luôn đề cao vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò then chốt trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa qua truyền dạy, bồi dưỡng và tập huấn, hội thi sáng tác, khuyến khích bằng tiếng dân tộc. Đồng thời, mở rộng quá trình giao lưu văn hóa để tạo ra nhiều hơn nữa sân chơi bổ ích, trong đó có dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Tà Ôi. Điều đó nhằm bảo tồn nhiều nét văn hóa được xem như gạch nối giữa quá khứ và hiện tại”, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới Lê Thị Thêm nói.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày