Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.158.546
Truy cập hiện tại 172 khách
Tổng thống Mỹ Obama liệu có thể giúp Lào "thoát Trung"?
Ngày cập nhật 06/09/2016

Chuyến thăm lịch sử đến Lào của Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là sẽ làm nổi bật cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Lào đang tìm cách “thoát Trung”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến thăm lịch sử tới Lào nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra từ ngày 6-8/9. Đây là một phần trong chuyến công du châu Á có thể là cuối cùng của ông Obama để củng cố chiến lược "xoay trục sang châu Á" trước khi rời nhiệm sở vào đầu năm sau và diễn ra trong bối cảnh Lào đang tìm cách thoát dần ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cái bóng của Trung Quốc

Mô hình tàu cao tốc Trung Quốc đóng cho Lào. (Ảnh minh họa: Getty)

Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Lào, với khoảng 760 dự án đầu tư trị giá khoảng 6,7 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế của Lào đã nhảy vọt lên 7,8% năm ngoái, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 1.730 USD/năm.

Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan nhận định: "Lào có quan hệ với nhiều nước ASEAN nhưng Trung Quốc thực sự là đối tác lớn”.

Tuy nhiên, Lào đang tìm cách gỡ bỏ cái “mác” này để cân bằng chính sách đối ngoại. Việc Mỹ xoay trục sang châu Á cũng là yếu tố thuận lợi cho Lào. “Lào nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc nhưng bây giờ họ đang muốn làm nóng quan hệ với Mỹ", chuyên gia Pongsudhirak nói.

Do phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về lĩnh vực kinh tế, nên việc tìm cách “thoát Trung” của Lào sẽ không hề dễ dàng.

Từ các khu công trường xây dựng ở Viêng Chăn đến các tỉnh biên giới phía bắc của Lào, ký hiệu tiếng Trung xuất hiện ở khắp nơi, thậm chí trong các khu kinh tế đặc biệt ở biên giới, tiếng Trung Quốc còn được coi là ngôn ngữ chính.

Chuyên gia kinh tế Shunsuke Bando của Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, “hoạt động đầu tư ở Lào bị chi phối hoàn toàn bởi Trung Quốc”. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng từ 1,3 tỷ USD năm 2011 lên 3,6 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, con số này đã giảm còn 2,78 tỷ USD vào năm 2015, một phần do nền kinh tế toàn cầu suy giảm và hạn chế xuất khẩu gỗ từ Lào.

Ông Obama có thể giúp Lào “thoát Trung”?

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Lào Choummaly Sayasone tại hội nghị ở California hồi tháng 2. (Ảnh: AFP)

Ngày 6/8, ông Obama trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ tới thăm Lào. Chuyến thăm được cho là sẽ làm nổi bật cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Lào đang tìm cách “thoát Trung”.

Đối với giới chức Lào, việc tái cân bằng các mối quan hệ trong khu vực là điều bắt buộc về mặt kinh tế. Tuy nhiên, Lào tự cảm thấy bấp bênh khi Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng đến các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đến nay vẫn ngang ngược không công nhận phán quyết của tòa trọng tài về “đường chín đoạn”, và trắng trợn tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng trái phép ở đây.

Carl Thayer, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Đại học New South Wales của Australia, cho rằng chiến lược chính sách đối ngoại của Lào là nhằm duy trì sự độc lập nhất định về ngoại giao. "Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể buộc Lào làm bất cứ điều gì Lào không muốn với tư cách chủ tịch ASEAN," ông Thayer nói.

Do đó, thiết lập quan hệ với Mỹ là một ưu tiên chính sách của Lào nhằm cân bằng các chính sách ngoại giao và kinh tế. Hồi tháng 2, Mỹ và Lào đã ký kết một thỏa thuận khung về hợp tác đầu tư và thương mại, lập một diễn đàn để thảo luận các vấn đề kinh tế, thương mại. Khoảng 58% doanh nghiệp Mỹ có quan hệ với Lào đều hy vọng có thể mở rộng lực lượng lao động tại Lào, khảo sát của Phòng thương mại Mỹ cho biết.

Michael Fuchs, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nhận định, dù "hoài nghi Mỹ, nhưng Lào vẫn sẵn sàng thiết lập quan hệ thân thiết hơn với Washington” để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Thitinan cho rằng, để thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc, Lào còn cần dựa vào mối quan hệ lâu dài với Nhật Bản. "Mỹ sẽ thay đổi rất nhiều thứ khi Obama đến Lào trước khi hết nhiệm kỳ. Nhưng về lâu dài, họ nên dựa vào Nhật Bản”, chuyên gia này nhận định.

Minh Phương

Theo SCMP

Các tin khác
Xem tin theo ngày