Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.161.820
Truy cập hiện tại 960 khách
Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên
Ngày cập nhật 19/05/2016

Ngày 3-9-1945, chỉ 24 giờ sau lễ Quốc khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời...

Ngày 3-9-1945, chỉ 24 giờ sau lễ Quốc khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời.

Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là tổ chức sớm cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân này sẽ lập ra Hiến pháp dân chủ và một chính phủ thật sự của quốc dân.

Nhân dân Hà Nội đón Hồ Chủ tịch và các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu 

“70 năm đã qua rồi nhưng tôi vẫn như đang sống những ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 ấy. Có những cụ già lắm rồi, tóc bạc phơ, đi đứng không nổi, vẫn nhờ con cháu dìu xuống phố để hòa cùng không khí thiêng liêng của dân tộc.

Trong lòng ai cũng hiểu chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem đến nền dân chủ mới mẻ đầu tiên cho đồng bào mình ngay trong đêm dài của đất nước lầm than...” (ông Hoàng Tấn Anh, tức Hoàng Giáp, sinh năm 1924, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304, tham chiến ở Điện Biên Phủ nói).

Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ.

Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị chúng ta phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...

Chủ tịch HỒ CHÍ MINH

 

Sắc lệnh dân chủ

“Hồi ấy, nghe tin Chính phủ Cụ Hồ tuyên bố thực hiện bầu cử Quốc hội đầu tiên cho nước nhà, ai cũng xúc động. Pháp cai trị Việt Nam, cố dập tắt nỗ lực độc lập của dân thuộc địa. Nhưng chính nước họ đã thực hiện nhiều cuộc bầu cử quốc hội từ lâu, người dân họ được quyền quyết định đường lối chính trị đất nước mình" - ông Hoàng Giáp nói và cho biết thời điểm cuối năm 1945, tình hình Hà Nội cực kỳ căng thẳng.

Những nấm mộ tập thể người chết đói vẫn chưa xanh cỏ. Quân đội Pháp lại lăm le nổ súng, tiêu diệt chính quyền non trẻ của người Việt. Quân Tưởng Giới Thạch của tướng Tiêu Văn đưa sang danh nghĩa giúp đỡ Việt Nam nhưng thực chất là phá rối.

Tuy nhiên, Chính phủ Cụ Hồ vẫn quyết tâm tiến hành cuộc tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội của mình. Ngân sách trống rỗng, kinh nghiệm không có, phương tiện cũng trắng tay, thế nhưng mọi người vẫn quyết tâm phải thực hiện bằng được. Lực lượng học sinh, thanh niên, trí thức được cử đi vận động, tuyên truyền đồng bào về ý nghĩa của Quốc hội, về trách nhiệm và quyền lực lá phiếu của mình.

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14 - SL quy định rõ tiến trình dân chủ cho dân tộc: “Chiếu theo nghị quyết của Quốc dân đại biểu đại hội họp ngày 16, 17-8-1945 tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu lên.

Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa. Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống ngoại xâm...”.

Nội dung sắc lệnh lịch sử này gồm bảy điều. Trong đó, quy định thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Đặc biệt, thành lập ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm bảy người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.

Nỗ lực

Theo giáo sư Đỗ Văn Ninh, nguyên viện trưởng Viện Sử học, thật sự lúc ấy cũng có ý kiến lo lắng không biết việc trọng đại này có thể thành công được như thế nào. Ngoài lòng yêu nước, tin tưởng chính phủ của nhân dân, tình hình thực tế cũng có nhiều yếu tố bất lợi cho cuộc tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên này.

Từ sự quấy phá, tranh đoạt quyền lực, chiếm đóng của quân Tưởng Giới Thạch, quân Pháp đến tình hình thời điểm đó chính phủ lâm thời còn nhiều khó khăn, thiếu thốn buổi ban đầu. Ngoài đời sống hết sức nghèo khổ, trình độ dân trí lúc ấy cũng rất bất lợi cho nền dân chủ phổ thông đầu phiếu...

Nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết dân tộc, đảng phái trong nước để thực hiện tiến trình dân chủ, nhưng thực tế diễn ra hết sức phức tạp. Thậm chí nó căng thẳng đến mức độ đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt.

Một số tờ báo của các đảng phái khác như Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâmđăng bài xuyên tạc Việt Minh, kêu gọi tẩy chay cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên của dân tộc, với lý do dân trí đất nước còn thấp kém, trên 90% dân số còn mù chữ, không đủ năng lực thực hiện quyền công dân, cần tập trung chống Pháp xâm lược, không nên mất thì giờ bầu cử...

Ngày 24-11-1945, báo Cứu Quốc đã có bài “bút chiến”, bác bỏ luận điệu ngăn cản nguyện vọng dân chủ chính đáng của dân tộc: “Vẫn biết đại đa số dân mình chưa biết đọc biết viết, nhưng vin vào đấy để kết luận rằng dân ta không đủ tư cách để kén chọn đại biểu là không hiểu gì dân chúng, không hiểu gì chính trị.

Căn cứ vào phong trào đánh Pháp đuổi Nhật ở khắp nước vừa qua, ta thấy dân chúng đã có ý thức chính trị dồi dào. Và hễ có ý thức chính trị là có đủ những điều kiện cần thiết nhất để phân biệt ai là thù, ai là bạn, ai xứng đáng là đại biểu chân chính của mình.

Nói khác đi, dân chúng chưa biết đọc, biết viết, chưa biết bàn luận những chuyện xa xôi, nhưng có một điều mà họ biết chắc chắn, biết rõ ràng hơn ai hết là quyền lợi của họ...”.

Hồi tưởng khó quên về giai đoạn đầy khó khăn cho nền dân chủ nước nhà này, nhiều bậc cao tuổi ở Hà Nội cho biết: “Bác Hồ đã cho đồng bào thấy rõ giá trị nền dân chủ mà dân chúng được quyền hưởng thụ. Và đó cũng chính là bài học thiêng liêng từ 70 năm trước mãi mãi nhắc nhớ đến mai sau: Không ai và không bao giờ được vì lý do gì hạn chế nguyện vọng dân chủ của nhân dân.

5 vạn dân, 1 đại biểu

Ông Phan Minh Tánh, nguyên trưởng Ban Dân vận T.Ư, cho biết thời điểm chuẩn bị tổng tuyển cử năm 1946, cứ 5 vạn dân sẽ cử một đại biểu. Tỉnh, thành nào của miền Nam cũng có số lượng từ mấy đại biểu trở lên.

Nhiều người trong số đó đã hoạt động cách mạng, chịu gian khổ, tù đày, một số khác là trí thức yêu nước hoặc nhân vật có uy tín ở các đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Tình hình chiến sự ở miền Nam sớm bùng nổ ác liệt trước các địa phương khác, nhưng việc tuyên truyền bầu cử vẫn bằng mọi cách được đẩy mạnh.

Người dân cần phải có điều kiện để bỏ lá phiếu chính xác, nhất là trong hoàn cảnh xã hội đang bị đánh phá, xuyên tạc từ quân Pháp và một số nhân vật, đảng phái.

 

QUỐC MINH
Các tin khác
Xem tin theo ngày