Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.156.675
Truy cập hiện tại 2.604 khách
Bài 1: Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - Thách thức từ cuộc đấu tranh và phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay
Ngày cập nhật 17/09/2021

Bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của GS. TS. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy hàng loạt vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách được đặt ra mang tầm chiến lược đòi hỏi kiến giải: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao chủ nghĩa xã hội? Xây dựng con đường lên chủ nghĩa xã hội ra sao? Đi tới chủ nghĩa xã hội như thế nào?... 

BBT trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt 3 bài viết của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về nội dung trên được đăng trên Tạp chí Tuyên giáo.

 

Bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của GS. TS. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy hàng loạt vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách được đặt ra mang tầm chiến lược đòi hỏi kiến giải: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao chủ nghĩa xã hội? Xây dựng con đường lên chủ nghĩa xã hội ra sao? Đi tới chủ nghĩa xã hội như thế nào?, v.v.  

Trong các vấn đề đó, “Chúng ta tiếp tục làm gì và làm như thế nào để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội” nổi bật như một trọng sự quan trọng và cấp thiết. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Đảng ta nhận thức rằng, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội... Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới… Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

Về phương diện lịch sử, chủ nghĩa tư bản trải qua 500 năm phát triển, sau khi nó đánh quỵ các chế độ phong kiến khắp châu Âu, tiếp tục bành trướng ra khắp thế giới và làm mưa làm gió đời sống chính trị toàn cầu.

Nhưng, soát xét lại lịch sử, để trở thành một thực thể chính trị xã hội lịch sử hùng mạnh như hiện nay, ai cũng thấy, sau khi chiến thắng chế độ phong kiến và phát triển cho tới ngày nay, nó từng "vật vã" "trườn" qua 5 cuộc khủng khoảng có tính hệ thống, tính chu kỳ và mang tính chất sống còn, trên quy mô toàn cầu; và nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ, khu vực khác không mang tính chu kỳ. Và, dường như, bất cứ ai cũng đều thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng, thất bại, chủ nghĩa tư bản càng lớn mạnh hơn, càng tỏ rõ vị trí và vai trò lịch sử của nó đối với sự phát triển của thế giới. 

 Vì sao chủ nghĩa tư bản chưa cáo chung như nhiều người tưởng tượng và chờ mong? 

Luận đề đó chính là một trong những thách thức thậm chí thành bại ở đây, đối với công tác tư tưởng, lý luận xã hội chủ nghĩa và nhất định phải giải quyết, nếu muốn chủ nghĩa xã hội phát triển tất yếu và khoa học theo xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Do rất nhiều nguyên nhân, ở đây, có thể nói gọn lại rằng, một cách tự nhiên chủ nghĩa tư bản sinh ra, phát triển và nó sẽ chết một cách tự nhiên theo quy luật tất yếu. Nhưng, sau những lần khủng hoảng, nó gượng dậy, tiếp tục lớn mạnh và vẫn chưa đi tới giai đoạn suy tàn tột cùng của sự phát triển của nó, trong khi nhiều người và nhiều thời do chủ quan, nôn nóng, lại chưa chuẩn bị đầy đủ tất cả những điều kiện lịch sử có tính thời đại để khai tử cho nó theo quy luật. Từ đó, sự hoài nghi, thậm chí hoang mang trước số phận và tiền đồ của chủ nghĩa tư bản, vô hình đã bóp nghẹt, thậm chí giết chết về mặt tư tưởng, lý luận của một số người đối với chủ nghĩa xã hội, khiến họ trở cờ quay ra nghi ngờ, phản bội chủ nghĩa xã hội và ủng hộ “cái trật tự vĩnh hằng” do chủ nghĩa tư bản sắp đặt, tưởng tượng và rêu rao.

Đồng thời với câu hỏi đó, câu hỏi thứ hai cũng một cách tự nhiên rằng, chủ nghĩa xã hội sinh ra từ đâu và có khủng hoảng không?           

Một cách tất yếu, chủ nghĩa xã hội nảy nở và phát triển từ chính bản chất và tiền đồ của chính chủ nghĩa tư bản. Nói cách khác, chính chủ nghĩa tư bản - cái “tất yếu nhất thời” của lịch sử, như chính C. Mác nói - đã chuẩn bị đầy đủ chỗ và điều kiện cho chủ nghĩa xã hội hoài thai, sinh hạ và phát triển ngay trong lòng nó, một cách không thể cưỡng được. Và, chủ nghĩa xã hội, về mặt lịch sử, kể từ khi trở thành một khoa học, nó mới trải qua hơn 200 năm; trong đó hơn 100 năm trở thành hiện thực. Và, chỉ trong 200 năm đó, nó trải qua 4 lần khủng hoảng; và, lần gần đây nhất, lần thứ năm, nặng nề nhất, vào những năm 90 của thế kỷ XX. 

Có thể nói, đây là cuộc động đất lịch sử, làm đảo lộn tất cả. Nó khiến cho một loạt thể chế các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan vỡ, tạo ra một khoảng trống bi kịch mang tính thế kỷ, những người cộng sản chuốc lấy sự thất bại với tầm vóc thế giới, để lại những di họa khôn lường trên nhiều phương diện. Nó mở ra cơ hội ngoài ý muốn của chủ nghĩa tư bản thế giới, khiến nó vùng dậy tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, truy đuổi những người cộng sản và các đảng cộng sản và công nhân, công kích phong trào xã hội chủ nghĩa, phá hoại phong trào cánh tả, bành trướng sức mạnh, siết chặt vòng chế ngự các dân tộc trên thế giới và nô dịch nhân loại… như bất cứ ai đều thấy. Nó mệnh hệ tới sự thăng trầm, còn mất của nền tảng tư tưởng, lý luận chính trị xã hội chủ nghĩa; làm cho tính chỉnh thể hệ thống xã hội chủ nghĩa bị chấn động và đổ vỡ, cấp bách đòi hỏi phải đổi mới và cải cách toàn diện: từ tâm lý chính trị, đổi mới tư duy chính trị tới cấu trúc lại hệ thống và chỉnh đốn lại lực lượng… trước hết và trực tiếp ở đây về vị thế, vai trò, trách nhiệm  của công tác tư tưởng, lý luận xã hội chủ nghĩa. Về điều này, không có gì lạ cả. Ngay từ năm 1918, V. I. Lê-nin từng tiên liệu và cảnh báo, rằng: Nếu chính quyền Xô-viết bị chủ nghĩa đế quốc liên minh đè bẹp, trong trường hợp xấu nhất ấy, những sách lược Bôn-sê-vích cũng không vì thế mà không có ích lợi to lớn cho chủ nghĩa xã hội và giúp cho sự lớn mạnh của cách mạng thế giới vô địch.

Phát triển không phải là con đường thẳng tắp, càng không phải là một cuộc duyệt binh. Lịch sử chưa bao giờ thế. Chủ nghĩa xã hội khủng hoảng là điều tự nhiên, là cú sốc ngoài ý muốn, trong mỗi bước trưởng thành. Nếu hiểu sự phát triển của nó bao hàm cả tiến lên và giật lùi, giữa ngưng đọng và nhảy vọt, giữa tuần tự với nhảy vọt biện chứng, thậm chí cả những bước phát triển đứt đoạn trong liên tục trong hơn 200 năm qua, thì khủng hoảng đối với chủ nghĩa xã hội không có gì lạ cả. Đó là những “cơn sốt vỡ da” của sự trưởng thành, của sự phát triển. Vấn đề là phải có khả năng tiên liệu tất cả điều đó để chủ động sửa chữa và giải quyết tất cả. Đổi mới và đổi mới là mệnh lệnh sống còn, sinh tử, từ mỗi nước, và xét cả trên quy mô toàn cầu. Và, vì thế, chính lúc này, chúng ta không được nao núng, mất niềm tin, không được phép quên mất rằng, vì đã có lúc cách mạng vô sản thế giới từng gánh chịu thất bại thảm khốc từ những ngày phôi thai, thậm chí còn bị kẻ thù đánh bại nặng nề hơn năm 1991. Đó là cuộc Cách mạng Pháp Tháng 2 năm 1848. Sự thất bại đó gây chấn động khủng khiếp, khiến C. Mác từng thốt lên: “Cách mạng đã chết, cách mạng muôn năm!” trong tác phẩm “Đấu  tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850” của Người như một lời tiên tri về tính chất khó khăn, phức tạp nhưng là tất yếu, với tương lai tươi sáng của các cuộc cách mạng vô sản trên thế giới.

Và, sự thật của chủ nghĩa xã hội đã và đang như vậy. Nhưng, lần này, nó trái với ý muốn của chủ nghĩa tư bản về một cuộc sụp đổ có tính “đô-mi-nô” của chủ nghĩa xã hội, các quốc gia xã hội chủ nghĩa sau trận động đất chính trị thế giới những năm 90 của thế kỷ XX ấy. Bằng đổi mới, cải cách không ngừng, chủ nghĩa xã hội không ngừng phục hưng và tiếp tục khẳng định vị thế của mình. Nó trái với những suy nghĩ thông thường và phát triển nhanh chóng theo quy luật tới mức, chính cựu Tổng thống Mỹ R. M. Ních-sơn đã ngạc nhiên, hốt hoảng cảnh báo cho thế giới tư bản chủ nghĩa, trong cuốn sách“1999 - chiến thắng không cần chiến tranh” của ông, rằng: Sự phát triển quan trọng nhất của thế kỷ XX không phải là chủ nghĩa thực dân tuyên cáo kết thúc hoặc chủ nghĩa dân chủ có bước tiến lên, mà là chủ nghĩa cộng sản cực quyền vùng dậy. Và, một người Mỹ khác, ông Bao-lô-xu-ây-xi, trong quyển sách “Vấn đề chủ nghĩa xã hội thế giới đương đại”, nói rằng: Nếu chủ nghĩa xã hội dùng trí lực của nhân loại - giống như C. Mác đã nói - thế thì, rất rõ ràng, ngoài chủ nghĩa xã hội không có sự cứu thế nào khác. Sự vận động của lịch sử thế giới là tất yếu chủ nghĩa xã hội, xét từ bản chất và tiền đồ của chính chủ nghĩa tư bản. Chính tờ nhật báo “Phố U-ôn” (Mỹ) từng viết vào năm 1995, rằng: C. Mác không giải phẫu chủ nghĩa tư bản, mà bắt đầu bằng cấu trúc nền tảng của nó để làm nổi bật lên những vấn đề của nó và để cuối cùng dự báo sự sụp đổ của nó. Và, lại một người Mỹ khác, ông Mai-cơn Kha-rin-tơn chỉ rõ: Chủ nghĩa xã hội sẽ là người kế thừa các cuộc cách mạng tư sản vĩ đại, là phong trào hiện thực “tự do, bình đẳng, bác ái”, những điều không thể thực hiện được trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản... Nhiều nhà tư bản lo sợ rằng, chủ nghĩa xã hội sẽ có một tương lai to lớn. Chủ nghĩa tư bản dù đang là “cái tất yếu” nhưng “nhất thời”, như C. Mác nói.  Thế kỷ XXI được coi là hy vọng xã hội chủ nghĩa khi mà cùng với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước Mỹ La-tinh sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội thế giới sau cuộc khủng hoảng những năm 90 của thế kỷ XX  hiện đang như thế và tiếp tục sẽ như thế!

Toàn bộ hệ quả những chấn động đa chiều đó tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta 30 năm qua và tới tận bây giờ.  Đó cũng chính là nhiệm vụ lịch sử mà công tác tư tưởng, lý luận xã hội chủ nghĩa phải gánh vác.

Hiện nay, sau 30 năm kể từ đó, chúng ta phải và đang tiếp tục đối mặt giải quyết trên nhiều phương diện và khắc phục tất cả. Và, hơn bao giờ hết, thực tiễn cấp bách đòi hỏi công tác tư tưởng, lý luận của chúng ta phải luôn tự phủ định mình một cách biện chứng, đột phá tiên phong mở đường mang tính cách mạng và khoa học, một mặt nhận diện và kiến giải một cách khoa học và thuyết phục về lịch sử và số phận của chủ nghĩa tư bản, mặt khác vạch rõ xu thế vận động hiện thực tất yếu và tương lai của chủ nghĩa xã hội thế giới; đồng thời, tự mình vươn lên góp phần xứng đáng dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, vì chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Từ kinh nghiệm lịch sử càng cho thấy, lúc này, hơn lúc nào hết, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực sẽ trở nên mù quáng và tự phát, khô cằn và cô độc, rất khó phát triển, lại lâm vào nguy cơ khủng hoảng và thất bại, nếu công tác tư tưởng, lý luận yếu đuối và tụt hậu. Và, đến lượt nó, sự thiển cận và hẹp hòi về chính trị, sự ngắn hạn và chắp vá về tầm nhìn, sự sợ hãi và lảng tránh về tâm lý, sự lạc hậu và đơn điệu về tư duy, sự lệch lạc và lầm lẫn về phương pháp, sự khép kín và nặng nề về hệ thống, sự thô lậu và phiến diện về phương pháp, sự mơ hồ và chủ quan về đấu tranh, sự trì trệ và tụt hậu về tổ chức thực tiễn…, nhất định khiến cho công tác tư tưởng, lý luận lâm vào sự lúng túng, lệch lạc, thậm chí mất phương hướng, vô hình kéo lùi thực tiễn công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Chủ nghĩa xã hội phải biết phủ định chính nó với những tồn tích và những gì nó đã mắc sai lầm, do ấu trĩ, do giáo điều, do chủ quan duy chí, thậm chí cả sự ngộ nhận xã hội chủ nghĩa…

Trên phương diện tổng kết lịch sử, công tác tư tưởng, lý luận sẽ tụt hậu so với thực tiễn, sẽ chao đảo, thậm chí mất phương hướng. Do đó, không trung thành  - không độc lập đổi mới sáng tạo  -  không đứng trên mảnh đất của chính mình và thời đại -  không tự phủ định mình, để phát triển một cách hợp quy luật, - nhất định không có bất kỳ một sự trưởng thành như mong muốn, thậm chí không thể thấy tương lai nào của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó cũng là trọng trách tự nhiên của công tác tư tưởng, lý luận hiện nay, khi Đảng ta yêu cầu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận là con đường tất yếu thúc đẩy thực tiễn chủ nghĩa xã hội phát triển. Không có con đường nào khác.

Do đó, trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay về bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội, gồm rất nhiều phương diện, nổi bật tối thiểu 12 loại vấn đề có tính quy luật và quy luật căn bản và chủ yếu: 1) Sự phát triển của nhân loại: Thời đại ngày nay với tất yếu chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội chủ nghĩa - lô gic vận động và thành tựu hiện thực lịch sử; 2) Mối quan hệ tự nhiên và biện chứng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản - nhìn từ sự thống nhất và đa dạng của thế giới đương đại và tương lai; 3) Sinh thành - trưởng thành - khủng hoảng - phục hồi - phát triển và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội - nhìn từ sự phát triển tất yếu và tự nhiên của chủ nghĩa tư bản và thế giới; 4) Mối quan hệ giữa thống nhất và đa dạng, giữa lý tưởng và hiện thực, giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa thất bại và thành công: Lô-gic vận động hiện thực của chủ nghĩa xã hội; 5) Tương lai của chủ nghĩa xã hội - nhìn từ bản chất và tiền đồ của chủ nghĩa tư bản; 6) Đặc trưng và mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội trong sự phát triển đa dạng của thế giới hiện đại; 7) Phát triển và phản phát triển - trên đường đi tới tương lai của chủ nghĩa xã hội; 8) Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và các học thuyết chính trị thế giới với chủ nghĩa xã hội; 9) Vấn đề Đảng chính trị, thiết chế xã hội truyền thống và hiện đại với chủ nghĩa xã hội; 10) Vấn đề Đảng - dân tộc - và chủ nghĩa xã hội Việt Nam; 11) Sự đa dạng, phong phú các mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội; 12) Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo - thách thức hiện thực và sứ mệnh tương lai của chủ nghĩa xã hội.

Tiếp tục giải quyết một cách chủ động, hệ thống, khoa học và thuyết phục tối thiểu những vấn đề đó, có thể nói, đó là vai trò và trọng trách của công tác tư tưởng, lý luận, tiếp tục xứng đáng với vị thế tiên phong của tư tưởng, lý luận bảo vệ và phát triển xã hội chủ nghĩa; là chính con đường phát triển của công tác tư tưởng, lý luận của chúng ta.

 

TS. Nhị Lê

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Nguồn: TC Tuyên giáo

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày