Điều này giúp bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về một Việt Nam giàu bản sắc, một mô hình thành công về đổi mới, hội nhập và cũng là một đất nước phát triển theo hướng xanh, bền vững, có năng lực đổi mới sáng tạo.
Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam bao gồm danh sách các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể... đã được UNESCO ghi danh. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất.
Sở hữu tám di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, chín di sản tư liệu và ba “thành phố sáng tạo toàn cầu” được UNESCO ghi danh, Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc…, đóng góp quan trọng vào kho tàng văn hóa nhân loại.
Thách thức giữa bảo tồn và phát triển
Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Các danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh.
Các di sản văn hóa sau khi được UNESCO ghi danh đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) - Di sản văn hóa thế giới, đã có những thay đổi tích cực, trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân - chủ nhân của di sản; đồng thời tăng thêm điều kiện để bảo tồn, tu bổ di tích; trở thành nền tảng, hành trang để Hội An vững bước phát triển kinh tế-xã hội.
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), thời điểm lập hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có hơn 1 triệu lượt khách/năm, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới) đã thu hút tới 6,3 triệu lượt du khách.
Năm 2019, riêng tám di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 21,3 triệu lượt du khách, trong đó có 10,6 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ bán vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp đạt 3.123 tỷ đồng...
Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,... tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa.
Với những nỗ lực trong bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu, Việt Nam được đánh giá là “điển hình mẫu mực” của mô hình hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.
Nhưng bên cạnh những thành công, một số địa phương sở hữu danh hiệu UNESCO vẫn đang trăn trở và đối mặt thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển kinh tế nhiều lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu.
Nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững chưa thật sự thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân; đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu.
Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, tỉnh luôn xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO.
Ninh Bình lựa chọn mô hình cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng “đô thị di sản”, đủ khả năng loại trừ kiểu công nghiệp hóa cổ điển gây tổn thương cho di sản văn hóa, xung đột với bảo vệ môi trường sống; loại trừ các biểu hiện chạy đua theo mô hình phát triển cơ cấu dân cư đô thị tập trung vượt quá khả năng chịu tải của “đô thị di sản”; loại trừ các kiểu đô thị “nén”, “bê-tông hóa” làm phá vỡ môi trường cảnh quan của đô thị di sản, chỉ cho phép độ kết tụ nhà ở và hạ tầng với mật độ thấp, bảo tồn các kiến trúc truyền thống, không gian, môi trường sống thuận thiên.
Các giá trị đặc sắc, tiêu biểu toàn cầu của Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nằm trọn trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Và Ninh Bình đang bắt tay xây dựng các khung tiêu chuẩn, khung pháp lý cùng các chính sách phù hợp với đặc trưng, vai trò và thực tiễn của địa phương sở hữu di sản, làm cơ sở hoạch định chiến lược quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, cần chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản, vừa chuyển dịch cơ cấu lao động, vừa bảo tồn được các không gian di sản, nhất là vùng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Kiến tạo nên mô hình sinh kế gắn với mô hình cư trú phù hợp của cộng đồng cư dân sinh sống trên các không gian di sản.
Các vấn đề như cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các “đô thị di sản”, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển.
Trong đó, đặc biệt quan tâm cơ chế phân quyền quản lý cho địa phương đối với các vấn đề đất đai, di sản, vay, trả nợ, kể cả vay quốc tế… để đầu tư cho phát triển khi đã tự cân đối thu-chi ngân sách.
Có cơ chế đặc thù bảo đảm phục dựng và bảo tồn các công trình trong di tích lịch sử-văn hóa, bảo vệ và thúc đẩy đa dạng sinh học, nâng tầm giá trị di sản UNESCO đã vinh danh, thúc đẩy hợp tác, kết nối giữa các địa phương giành được danh hiệu của UNESCO…
Đưa danh hiệu UNESCO thành nguồn lực phát triển
Việc gắn kết các danh hiệu UNESCO chính là điểm thu hút đầu tư, làm nên thương hiệu địa phương; đồng thời, phát huy giá trị của danh hiệu để phát triển bền vững.
Một số địa phương hiện đang thực hiện tốt điều này, như Huế - “thành phố một điểm đến, bảy di sản” và Hà Nội vừa là “thành phố vì hòa bình”, “thành phố sáng tạo” vừa có Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Phương hướng bảo tồn, phát triển này cũng được UNESCO đánh giá cao.
Hiện, Ninh Bình cũng đề xuất tầm nhìn đô thị di sản thiên niên kỷ, hay Hội An là đô thị du lịch quốc gia. Đây là tầm nhìn của các địa phương trong quá trình đưa vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mình. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp cũng cần gắn kết các di sản trong nước với nhau.
Việt Nam hiện đã có Câu lạc bộ các Di sản thế giới. Vấn đề là các di sản cần gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đồng thời câu lạc bộ di sản của Việt Nam cũng kết nối với các di sản thế giới của khu vực và trên toàn cầu.
Các danh hiệu UNESCO danh giá mang đặc trưng quốc gia, nhưng cũng được xem là tài sản của nhân loại. Danh hiệu này đều được các nước coi là nguồn lực, tiềm lực thu hút du lịch, phục vụ mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Làm sao để cân bằng giữa phát triển, giữa bảo tồn và phát huy các giá trị, danh hiệu, biến di sản thành tài sản, tiềm lực thành nguồn lực, thực sự phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội? Bởi danh hiệu được UNESCO tôn vinh chỉ là bước quan trọng có tính khai mở, làm tiền đề, nền tảng.
Các bước tiếp theo cần phải có chính sách quản lý, truyền thông quảng bá di sản, xã hội hóa việc bảo tồn phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO, gắn với các mục tiêu định hướng mang tầm vóc quốc tế, tính phổ quát của nhân loại như: phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, tiến bộ, hiện đại, nhân văn…
Vì thế cần tiếp tục đổi mới tư duy mạnh mẽ về phát huy vai trò giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững và nâng cao vị thế quốc gia; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị, tận dụng hiệu quả các danh hiệu với tiêu chí đánh giá cụ thể cho phát triển bền vững.
Ở tầm quốc gia, cần gắn kết trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam hiện là một trong 11 quốc gia được UNESCO lựa chọn để triển khai thí điểm xây dựng bộ chỉ số văn hóa gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên 22 tiêu chí.
Ở tầm địa phương, có thể lồng ghép vào các đề án chiến lược phát triển du lịch, hợp tác đầu tư. Chẳng hạn, Hà Nội hiện đang là thành phố sáng tạo toàn cầu và cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa (tầm nhìn đến năm 2045) với các chỉ tiêu rất cụ thể.
Bên cạnh đó, mô hình hợp tác công-tư và tăng cường quan hệ đối tác nhiều bên trong bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO cần được thúc đẩy.
Điều không thể thiếu là việc tận dụng lợi thế của công nghệ số trong thúc đẩy truyền thông (với bảo tàng số, tour tham quan, QR Code, nghệ thuật thị giác đương đại...) để tăng cường hiệu quả tuyên truyền; giới thiệu các danh hiệu qua các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram…), hoặc xây dựng sơ đồ các danh hiệu UNESCO. Chiến lược quảng bá Việt Nam cũng cần có trọng tâm, trọng điểm và sức thu hút ở tầm quốc tế.
Tập trung vào 4-5 lĩnh vực, tại 4-5 địa bàn, với các hình ảnh và thương hiệu Việt Nam có chất lượng và hiệu quả; hoặc thông qua việc Việt Nam tổ chức các hội nghị quốc tế tầm toàn cầu - trở thành dịp để quảng bá hình ảnh giới thiệu về một Việt Nam đổi mới sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc như sắp tới, chúng ta sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu châu Á-Thái Bình Dương và cùng UNESCO kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...
Các di sản văn hóa giá trị là tài sản quý báu được quan tâm, bảo tồn và phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử-văn hóa, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Vì thế, Nhà nước cần quan tâm, có chính sách, chiến lược thích hợp đầu tư đúng, đủ, kịp thời; đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn giỏi, kể cả cán bộ truyền thông; bố trí người quản lý đủ tầm, tâm, tài, nhiệt huyết; cung cấp tài chính đúng công việc, theo kết quả đầu ra; thưởng phạt đúng, để các di sản, nhất là di sản được UNESCO tôn vinh ngày càng phát huy vai trò trong phát triển bền vững.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là sự nghiệp của toàn dân, của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội, trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị.
Theo nhandan.vn